Trẻ bị ho có tiêm phòng được không?
Tiêm vaccine là việc cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ, nhưng nhiều mẹ băn khoăn không biết trẻ bị ho có tiêm phòng được không, có ảnh hưởng gì đến trẻ không? Bài viết dưới đây của Thuốc ho bổ phế Bảo Thanh sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Trẻ bị ho có tiêm phòng được không?
Trong y tế, tiêm phòng vaccine là cách đưa các vi sinh vật đã được làm suy yếu, bất hoạt hoặc loại bỏ độc tố gây hại cho sức khỏe đi vào cơ thể. Lúc này, vi sinh vật không đủ sức để gây bệnh, nhưng khi đưa vào cơ thể con người sẽ kích thích sản sinh ra các kháng thể để chống lại chúng. Điều này sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe trẻ tốt hơn.
Còn khi cơ thể sinh ra phản xạ ho, thì có thể là do hệ hô hấp của bé bị viêm nhiễm hoặc bị kích ứng, dị ứng. Do đó, có nên tiêm phòng khi trẻ bị ho hay không đến nay vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn là có thể hoặc không thể.
Nếu trẻ bị ho do viêm nhiễm, lúc này hệ hô hấp của trẻ đang bị tấn công bởi các tác nhân gây hại, khiến sức đề kháng suy giảm. Lúc này, tiêm vaccine có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn. Ngược lại, nếu trẻ bị ho dị ứng, kích ứng thì vẫn có thể tiêm phòng cho trẻ.
Vì vậy, để biết được chính xác câu hỏi này, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám để đưa ra quyết định tốt nhất. Trong một số trường hợp trẻ bị ho vẫn có thể tiêm phòng như:
- Trẻ bị ho, sổ mũi thông thường và kết quả kiểm tra cho thấy bé không bị viêm nhiễm.
- Trẻ bị ho, sổ mũi và sốt nhưng ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Lúc này bé vẫn có thể tiêm phòng.
Mẹ hãy tham khảo: Cách trị ho cho bé an toàn tại nhà
2. Những trường hợp trẻ không được tiêm phòng
Theo Quyết định số 2570/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 14/6/2019 về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em, những trường hợp chống chỉ định và tạm hoãn tiêm chủng được quy định cụ thể như sau:
2.1. Trường hợp chống chỉ định tiêm phòng
- Trẻ có tiền sử sốc thuốc hoặc phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine có cùng thành phần trước đó.
- Trẻ sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc có dấu hiệu não, màng não, người tím tái, khó thở.
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch gồm: mắc bệnh suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV, trẻ có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng.
- Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine cụ thể.
2.2. Trường hợp tạm hoãn tiêm phòng
Những trường hợp tạm hoãn tiêm phòng sẽ được phân loại cụ thể theo từng địa điểm tiêm chủng. Cụ thể:
Với cơ sở tiêm vaccine ngoài bệnh viện:
- Trẻ sốt trên 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5°C.
- Trẻ đang bị suy giảm chức năng các cơ quan gồm: tim, thận, tuần hoàn, hô hấp….
- Trẻ mắc các bệnh cấp tính hoặc các bệnh nhiễm trùng.
- Trẻ sử dụng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, ngoại trừ kháng huyết thanh viêm gan B thì sẽ bị hoãn tiêm chủng.
- Trẻ vừa kết thúc hoặc đang điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisone ≥ 2mg/kg/ngày).
- Trẻ hóa trị hoặc xạ trị trong vòng 14 ngày.
- Trẻ có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm vaccine cùng loại. Ví dụ: lần đầu tiêm không sốt, lần sau sốt cao trên 39°C…. những trường hợp này sẽ chuyển sang khám sàng lọc và tiêm phòng tại bệnh viện.
- Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh mãn tính ở tim, phổi, hệ tiêu hóa, máu, hệ tiết niệu, ung thư chưa ổn định; trẻ có cân nặng dưới 2kg. Các trường hợp này sẽ chuyển sang bệnh viện khám sàng lọc để tiêm chủng.
Tiêm chủng vaccine tại bệnh viện:
- Trẻ sốt trên 38°C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5°C.
- Trẻ đang bị suy giảm chức năng các cơ quan gồm: tim, thận, tuần hoàn, hô hấp….
- Trẻ mắc các bệnh cấp tính hoặc các bệnh nhiễm trùng.
- Trẻ sử dụng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, ngoại trừ kháng huyết thanh viêm gan B.
- Trẻ vừa kết thúc hoặc đang điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisone ≥ 2mg/kg/ngày).
- Trẻ hóa trị hoặc xạ trị trong vòng 14 ngày.
- Trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc mãn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).
3. Cha mẹ cần làm gì trước khi đưa con đi tiêm phòng vaccine?
Để việc tiêm chủng đạt hiệu quả tốt nhất, cũng như ngăn ngừa các tác dụng phụ khi tiêm vaccine cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề trước khi đưa bé đi tiêm như sau:
- Không cho trẻ ăn quá no hoặc để trẻ bị đói trước khi tiêm vaccine.
- Lau người hoặc tắm rửa sạch sẽ cho bé trước khi tiêm, để phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Trong trường hợp trẻ gặp một số vấn đề như ho, sốt, cảm cúm… thì cần thông báo tình hình sức khỏe của bé cho bác sĩ trước khi tiêm, để có được phương án xử lý tốt nhất.
- Không cho trẻ mặc quá nhiều đồ và những đồ có thiết kế cầu kỳ để việc tiêm phòng được dễ dàng hơn.
Như vậy, bài viết trên của Thuốc ho bổ phế Bảo Thanh đã chia sẻ đến cha mẹ những thông tin về vấn đề tiêm phòng khi trẻ bị ho, đồng thời cũng đưa ra các trường hợp tạm hoãn và chống chỉ định tiêm vaccine phòng ngừa. Hi vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp cha mẹ chăm sóc cho sức khỏe bé được tốt hơn.
Thuốc Ho Bổ Phế Bảo Thanh chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập