Trẻ 2 tháng tuổi bị ho và nghẹt mũi mẹ cần làm gì?

Trẻ 2 tháng tuổi bị ho và nghẹt mũi khiến mẹ lo lắng không biết phải xử lý thế nào. Đó là tâm lý chung của tất cả các mẹ khi sức khỏe của em có dấu hiệu không tốt. Vậy phải làm gì khi trẻ 2 tháng tuổi bị ho và nghẹt mũi? Bài viết dưới đây, Thuốc Ho Bổ Phế Bảo Thanh sẽ giúp các mẹ giải đáp vấn đề này.

Trẻ 2 tháng tuổi bị ho và nghẹt mũi
Trẻ sơ sinh 2 tháng ho và nghẹt mũi khiến nhiều bố mẹ lo lắng

Mục lục bài viết

1. Bé 2 tháng tuổi bị ho và nghẹt mũi phải làm gì? 

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi sức đề kháng vẫn còn yếu, hệ hô hấp phát triển chưa hoàn thiện nên dễ tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài như thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, vi khuẩn, virus gây bệnh…. Do đó, các bé dễ bị ho khan, ho có đờm, nghẹt mũi, sổ mũi. 

Khi trẻ vừa xuất hiện tình trạng ho và nghẹt mũi, các mẹ có thể áp dụng một số cách để làm giảm các cơn ho và làm thông thoáng đường thở cho bé dưới đây. 

1.1. Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý 

Nước muối sinh lý có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, rửa trôi dịch nhầy trong niêm mạc mũi; đồng thời hỗ trợ làm lành các niêm mạc bị viêm. Nhờ đó giúp làm giảm lượng dịch nhầy sản sinh trong đường thở, tống dịch đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Vì thế, bé sẽ dễ thở hơn và các phản xạ ho cũng giảm dần. 

Cha mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch mũi bé hiệu quả hơn. 

1.2. Cho bé bú sữa mẹ nhiều hơn 

Bổ sung nước sẽ làm loãng dịch đờm, từ đó tống chất đờm ra khỏi đường thở dễ dàng hơn. Tuy nhiên đối trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi, các bé hấp thụ nước qua con đường duy nhất là sữa mẹ. Do đó, các mẹ nên cho bé bú nhiều hơn để cải thiện tình trạng ho nghẹt mũi. 

Song mẹ cũng không nên cho bé bú quá nhiều, vì có thể khiến bé bị nôn trớ hoặc trào ngược dạ dày. Nếu bị trào ngược dạ dày, tình trạng ho sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. 

1.3. Nâng cao đầu bé khi nằm 

Bác sĩ thường khuyên các mẹ không cho trẻ sơ sinh dùng gối, vì có thể khiến bé hô hấp khó khăn và ảnh hưởng đến xương, cột sống sau này. Nhưng khi trẻ 2 tháng tuổi bị ho và nghẹt mũi, cha mẹ nên lót thêm khăn để kê cao đầu cho bé khi ngủ. Việc này sẽ giúp hạn chế lượng dịch nhầy chảy từ mũi xuống cổ họng, nhờ đó bé sẽ dễ thở hơn và các cơ ho cũng giảm được phần nào. 

1.4. Dùng máy làm ẩm không khí

Mẹ nên duy trì độ ẩm trong phòng ở mức ổn định
Mẹ nên duy trì độ ẩm trong phòng ở mức ổn định

Tình trạng ho nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh sẽ nặng hơn nếu không khí trong phòng thiếu độ ẩm. Không khí khô đi vào đường thở của bé sẽ gây kích ứng đường thở, khiến bé ho nhiều hơn. Vì thế, các mẹ nên sử dụng máy làm ẩm không khí để duy trì độ ẩm trong phòng ở mức ổn định. Đặc biệt nếu trong phòng sử dụng điều hòa hoặc máy sưởi, thì càng nên sử dụng thiết bị này. 

1.5. Dùng tinh dầu tràm 

Massage để giữ ấm cơ thể bé bằng tinh dầu tràm là một trong những cách giúp làm ấm cơ thể bé, từ đó làm giảm các cơn ho ở bé hiệu quả nếu bé bị ho sổ mũi do cảm cúm, cảm lạnh. Các mẹ chỉ cần nhỏ 1 – 2 giọt tinh dầu tràm vào lòng bàn tay, xoa nhẹ hai bàn tay với nhau rồi massage chân, lưng và ngực cho bé. 

Ngoài ra, hành động massage cho bé còn mang lại nhiều lợi ích như giảm căng thẳng, kích thích phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của bé, giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm cảm giác đau…. 

1.6. Vệ sinh phòng sạch sẽ 

Vệ sinh sạch sẽ không gian nhà ở, ngăn bé tiếp xúc với các loại bụi bẩn, bụi vải… cũng sẽ giúp giảm phản xạ ho ở trẻ.

Mẹ nên đọc:

2. Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị ho và nghẹt mũi khi nào cần gặp bác sĩ? 

Bố mẹ cần theo dõi biểu hiện của bé để có biện pháp đưa đi bác sĩ kiểm tra
Bố mẹ cần theo dõi biểu hiện của bé để có biện pháp đưa đi bác sĩ kiểm tra

Các biện pháp trên có thể giúp cải thiện tình trạng ho nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức để ý đến các biểu hiện của trẻ, nếu thấy trẻ có những triệu chứng sau thì cần đưa đến cơ sở y tế khám ngay: 

  • Sốt cao 39°C – 40°C hoặc hơn. 
  • Bé thở khò khè, khó thở hoặc thở rất nhanh. 
  • Người tím tái, ngủ li bì.
  • Quấy khóc liên tục và có những biểu hiện bị đau. 
  • Chất nhầy trong mũi có màu xanh hoặc vàng.
  • Ho nghẹt mũi hơn 1 tuần trở lên. 

3. Lưu ý khi chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi bị ho và nghẹt mũi

Đối với trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị ho và nghẹt mũi, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau: 

  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc tây cho trẻ nhỏ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì các loại thuốc này thường gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé. 
  • Cho bé bú nhiều hơn bình thường. Mẹ cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày, để giúp sữa mẹ có nhiều dưỡng chất hơn. 
  • Không sử dụng mật ong cho trẻ sơ sinh. Vì một số chất trong mật ong có thể khiến bé bị nhiễm khuẩn.
  • Giữ ấm cho bé, đặc biệt là vùng cổ họng. 
  • Cho bé nghỉ ngơi nhiều để sức khỏe nhanh chóng hồi phục. 

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi còn vô cùng yếu ớt, vì vậy khi bé bị ho nghẹt mũi, cha mẹ tốt nhất nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng các loại thuốc tây hoặc các sản phẩm trị ho nghẹt mũi chưa được kiểm chứng về độ an toàn, để tránh những ảnh hưởng không đáng có với sức khỏe của bé. 

5/5 - (6 bình chọn)
Nguồn tham khảo / Source

Thuốc Ho Bổ Phế Bảo Thanh chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập

Đặt câu hỏi cho chuyên gia:
0 bình luận