Có nên cắt amidan không? Khi nào nên cắt?
Cắt amidan là một trong những phương án điều trị khi bị viêm amidan. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện thủ thuật này được, đối với từng mức độ bệnh khác nhau sẽ có phác đồ chữa bệnh cụ thể. Vậy khi nào nên và không nên cắt amidan, sau khi phẫu thuật amidan thì có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Mục lục bài viết
1. Có nên cắt amidan không?
Amidan là tổ chức lympho lớn nhất của cơ thể, nằm tập trung phía dưới niêm mạc hầu, tạo thành đám nằm ở hai bên thành họng. Đây là vị trí cửa ngõ của cơ thể, đảm nhận chức năng bảo vệ đường thở khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm.
Không khí đi vào cơ thể thông qua việc hít thở, sẽ tiếp xúc với amidan đầu tiên trước khi đi đến phổi. Lúc này, các tế bào bạch cầu tại amidan sẽ có nhiệm vụ nhận diện các virus, vi khuẩn và nấm gây hại cho đường thở. Khi đã xác định được các tác nhân gây hại cho đường hô hấp, tế bào bạch cầu sẽ tiết ra kháng thể và các tế bào lympho để tiêu diệt virus, vi khuẩn và nấm. Do đó, amidan đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe của cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp.
Chính vì vậy, phẫu thuật amidan chỉ được thực hiện khi amidan bị nhiễm trùng nặng, có nguy cơ lây lan sang các cơ quan khác gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Lúc này, amidan đã trở thành “ổ vi khuẩn”, không còn tác dụng bảo vệ đường thở, nên việc cắt bỏ amidan là cần thiết.
Còn đối với những trường hợp viêm amidan nhẹ, thì không nên. Lúc này, cơ quan này vẫn có tác dụng chống lại virus, vi khuẩn, nấm. Nếu tiến hành loại bỏ amidan, thì có thể dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
Ngoài ra, trong một số trường hợp điều kiện sức khỏe không đảm bảo, thì cũng không nên cắt bỏ amidan.
Bạn có thể tham khảo: 18 cách trị viêm amidan tại nhà
2. Khi nào nên cắt amidan?
Cắt bỏ amidan thường được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp cụ thể sau:
- Viêm amidan mãn tính tái phát 5 – 6 lần/năm.
- Viêm amidan đã chuyển sang giai đoạn mãn tính, điều trị nội khoa khoảng 4 – 6 tuần, nhưng người bệnh vẫn bị đau họng, nổi hạch và hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Amidan bị viêm gây ra những biến chứng gồm: viêm tai giữa, viêm xoang, thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận….
- Amidan bị sưng hoặc có kích thước quá to, gây khó nuốt và khó thở, hoặc có thể gây ra hội chứng ngưng thở.
- Áp xe quanh amidan.
- Amidan chứa nhiều sỏi, sỏi có mủ gây hôi miệng.
- Amidan nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
- Nghi ngờ khối u ác tính.
Để xác định đúng những trường hợp nào cần tiến hành cắt bỏ amidan, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán bệnh bởi các bác sĩ chuyên khoa.
3. Những trường hợp không nên cắt bỏ amidan?
Phương pháp cắt bỏ amidan không nên áp dụng đối những đối tượng sau:
- Trẻ em dưới 5 tuổi, vì khi tiến hành cắt bỏ amidan ở trẻ dưới 5 tuổi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Người trên 45 tuổi cũng nên hạn chế thực hiện thủ thuật này, vì có thể dễ xảy ra tình trạng chảy máu do amidan xơ dính, hoặc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường….
- Người bị viêm nhiễm amidan cấp tính ở giai đoạn nhẹ.
- Người mắc bệnh lao, tiểu đường, bị rối loạn đông máu và suy tim nặng.
- Người dị ứng với các loại thuốc gây tê, gây mê hoặc các thiết bị y tế.
- Người bị nhiễm khuẩn cục bộ hoặc toàn thân.
- Người sinh sống trong khu vực đang có dịch sốt xuất huyết, sởi và cúm.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
4. Các phương pháp được áp dụng cắt amidan
4.1. Phương pháp bóc tách truyền thống
Đây là phương pháp đã được áp dụng từ rất lâu và hiện nay chỉ còn rất ít cơ sở y tế thực hiện loại bỏ amidan theo cách này. Ưu điểm của phương pháp này là có thể loại bỏ được hoàn toàn amidan, bề mặt amidan sau khi cắt cũng đẹp hơn. Tuy nhiên nhược điểm là có thể gây chảy máu trong và sau khi tiến hành.
4.2. Phương pháp Electrocautery
Đây là cách dùng năng lượng điện để tách mô amidan ra khỏi cơ thể. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế mất máu trong khi mổ, nhưng lại có thể gây tổn thương các mô xung quanh, đồng thời khiến người bệnh khó chịu hơn.
4.3. Phương pháp sử dụng sóng vô tuyến
Ưu điểm của phương pháp này là không để lại sẹo, kích thước amidan có thể giảm chỉ sau vài tuần trị liệu. Loại bỏ amidan bằng sóng vô tuyến thường được chỉ định trong những trường hợp amidan mở rộng, bệnh trong giai đoạn mãn tính và tái phát nhiều lần.
4.4. Phương pháp dùng sóng radio cao tần (công nghệ Coblator)
Đây là phương pháp được áp dụng nhiều nhất tại các cơ sở y tế hiện nay. Ưu điểm của công nghệ Coblator là ít gây chảy máu, thời gian thực hiện thủ thuật nhanh và vết thương mau lành.
4.5. Phương pháp áp lạnh
Cách loại bỏ amidan này thường ít được sử dụng. Vì có thể gây sót amidan hoặc tổn thương các mô xung quanh trên diện rộng, để lại sẹo rõ.
4.6. Phương pháp cắt bằng Laser
Trước đây phẫu thuật loại bỏ amidan bằng công nghệ Laser được áp dụng phổ biến, nhưng vài năm trở lại đây đã ít được sử dụng hơn. Phương pháp này có ưu điểm nhanh, không gây đau cho người bệnh khi thực hiện. Tuy nhiên, nếu không xử lý tốt có thể gây nhiễm trùng vết mổ, để lại sẹo và đôi khi ảnh hưởng đến cả dây thanh quản.
5. Cách chăm sóc sau khi cắt bỏ amidan
Ngay sau khi loại bỏ amidan, ngoài việc sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau để giúp vết thương nhanh lành và hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra.
5.1. Chế độ sinh hoạt
- Ngay sau khi phẫu thuật, nên nằm nghiêng sang một bên và dùng khay để hứng nước bọt và nước dãi chảy ra ngoài. Không nên nuốt bất cứ dịch và nước nào chảy ra từ miệng.
- Không nói to, la hét, khạc nhổ nước bọt.
- Không nên đi đường xa, đường gồ ghê, chạy nhảy và hoạt động quá sức dưới trời nắng.
- Vệ sinh răng miệng và súc miệng sạch sẽ hàng ngày.
5.2. Chế độ dinh dưỡng
- Sau khi phẫu thuật khoảng 3 giờ, nên uống sữa lạnh hoặc nước đường mát để làm dịu cổ họng, đồng thời bổ sung năng lượng cho cơ thể.
- Trong 3 ngày đầu tiên, nên ăn các thực phẩm lỏng và mềm như cháo, súp….
- Từ ngày thứ 3 – 10, nên ăn các thức ăn được xay nhỏ, nấu chín mềm.
- Từ ngày thứ 10 trở đi có thể ăn uống bình thường.
6. Những lưu ý sau khi cắt
Nếu người bệnh gặp các triệu chứng sau, thì cần phải nhanh chóng đến bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời.
- Sốt cao trên 39°C, dùng thuốc paracetamol nhưng không hạ sốt.
- Nôn nhiều, cảm giác đau tăng lên.
- Ăn uống gặp khó khăn. Trẻ nhỏ bỏ ăn hoàn toàn.
- Nôn ra máu, hoặc máu chảy nhiều ra từ miệng và mũi.
- Đau nhức nhiều, không đáp ứng thuốc giảm đau trong vòng 48 – 72h.
- Mất giọng.
Như vậy, Thuốc ho bổ phế Bảo Thanh đã chia sẻ đến bạn rất nhiều thông tin hữu ích về vấn đề cắt amidan. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có đủ hành trang cần thiết nếu chuẩn bị thực hiện thủ thuật này.
Thuốc Ho Bổ Phế Bảo Thanh chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập